Đặc trưng Học thuyết về nhà nước của chủ nghĩa Marx Lenin

Các nhà nước được tổ chức một cách khác nhau. Song, theo Chủ nghĩa Mác-Lênin thì bất kỳ nhà nước nào cũng có ba đặc trưng cơ bản sau:

Quản lý dân cư theo lãnh thổ

Khác với tổ chức thị tộc, bộ lạc thời nguyên thủy được hình thành trên cơ sở những quan hệ huyết thống, Nhà nước được hình thành trên cơ sở phân chia dân cư theo lãnh thổ mà họ cư trú. Quyền lực nhà nước có hiệu lực với mọi thành viên trong lãnh thổ không phân biệt huyết thống. Đặc trưng này làm xuất hiện mối quan hệ giữa từng người trong cộng đồng với nhà nước. Mỗi nhà nước được xác định bằng một biên giới quốc gia nhất định. Nhà nước xuất hiện đã lấy sự phân chia lãnh thổ làm điểm xuất phát và để cho công dân thực hiện nhưng quyền và nghĩa vụ xã hội của họ theo nơi cư trú, không kể họ thuộc thị tộc và bộ lạc nào.[17]

Thiết lập quyền lực công cộng

Nhà nước lúc này đã tách phần nào khỏi xã hội và không còn hòa nhập với dân cư nữa, quyền lực trong xã hội không thuộc về xã hội và thuộc về giai cấp thống trị. Và để thực hiện quyền lực công cộng cần có một lớp người đặc biệt chuyên làm nhiệm vụ quản lý và cưỡng chế.

Không những dưới chế độ quân chủ mà cả dưới chế độ cộng hòa dân chủ, nhà nước vẫn là nhà nước, nghĩa là vẫn giữ nguyên đặc thù tính chất chủ yếu của nó là: biến những viên chức, công bộc của xã hội, những cơ quan của mình thành những ông chủ đứng trên đầu xã hội
— Ph.Ăng-ghen[18]

Điều này dẫn đến Nhà nước tổ chức một bộ máy quyền lực chuyên nghiệp mang tính cưỡng chế đối với mọi thành viên trong xã hội, khác với các cơ quan điều hành công việc chung trong thị tộc, bộ lạc, nhà nước của giai cấp thống trị nào cũng có một bộ máy quyền lực chuyên nghiệp. Bộ máy quyền lực đó bao gồm các đội vũ trang đặc biệt (quân đội, cảnh sát, nhà tù, v.v.) và bộ máy quản lý hành chính mà xã hội (cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo, quan lại nha sai....) mà xã hội thị tộc, bộ lạc không hề biết đến trước đó. Nhà nước thực hiện quyền lực của mình trên cơ sở sức mạnh cưỡng bức của pháp luật và dùng các thiết chế (tổ chức) bạo lực để pháp luật của mình được thực thi trong thực tế quản lý.

Hệ thống thuế khóa

Thuế khóa - nguồn thu chính của nhà nước - họa phẩm tranh sơn dầu về cảnh thu thuế

Nhà nước hình thành hệ thống thuế khóa để duy trì và tăng cường bộ máy cai trị. Nhà nước không thể tồn tại nếu không dựa vào thuế khóa, quốc trái và các hình thức bóc lột khác. Đó là những chế độ đóng góp có tính chất cưỡng bức mà được luật lệ định ra để nuôi sống bộ máy cai trị, chi cho các hoạt động thường xuyên hay đột xuất của nhà nước. Hệ thống thuế khóa, cống nạp như vậy hoàn toàn không có trong hình thức tổ chức xã hội thị tộc, bộ lạc. Nó chỉ tồn tại gắn liền với hình thái tổ chức nhà nước. Bằng các hình thức khác nhau như vậy, nhà nước của giai cấp bóc lột không những là công cụ trấn áp giai cấp mà còn là công cụ thực hiện sự bóc lột các giai cấp bị áp bức.

Sỡ dĩ nhà nước phải đặt ra các loại thuế vì bộ máy của nhà nước bao gồm những người đặc biệt, tách khỏi lao động sản xuất để thực hiện chức năng quản lý, bộ máy đó phải được nuôi dưỡng từ nguồn tài chính lấy từ khu vực sản xuất trực tiếp (vì Nhà nước và nhân viên của nó đã tách hẳn khỏi sản xuất nên không thể có thu nhập). Nếu thiếu thuế thì bộ máy nhà nước không thể tồn tại được và mặt khác chỉ có nhà nước mới có quyền đặt ra thuế và thu thuế vì nhà nước là tổ chức duy nhất có tư cách đại diện chính thức của toàn xã hội.